Bắt nguồn từ khoảng thế kỉ 17 vào thời Edo ở phía Bắc Nhật Bản, Boro được sử dụng nhiều hơn vào đầu thế kỉ 19, khi một chiếc áo kimono hay tấm nệm ngủ bị sờn rách, mỏng đi, người phụ nữ trong gia đình thường vá lại bằng các mảnh vải vụn, họ sử dụng kĩ thuật may truyền thống mang tên sashiko.
Nguồn gốc của Boro
Người Nhật Bản có thuật ngữ “mottainai” để biểu lộ cảm giác hối hận khi chúng ta bỏ đi một thứ gì đấy vẫn còn có giá trị sử dụng, rõ ràng và dễ hiểu hơn, đó là tôn chỉ cho lối sống tiết kiệm, không lãng phí. Và ở thời trang, boro là khái niệm được sinh ra từ giá trị cốt lõi mang tên “mottainai”. Được dịch theo nghĩa đen của từ “boroboro” là vải vụn hoặc vải thừa, thuật ngữ boro cũng được sử dụng để mô tả quần áo và đồ gia dụng đã được vá cũng như sửa chữa nhiều lần.
Nguồn gốc của sashiko
Nói về sashiko, đây là một hình thức khâu gia cố truyền thống của người Nhật, từ nhu cầu thực tế sửa chửa các món đồ đã cũ mòn mà vẫn giữ được vẻ thẩm mĩ cao, kĩ thuật này giúp cho mảnh vá được chắc chắn, bền và ấm hơn.
Chính vì sự tiện lợi và tiết kiệm, boro được ưa chuộng bởi nông dân, những người lao động ở Nhật trước thế kỉ 20, bởi thời kì này, cotton vẫn là món hàng đắt đỏ, chỉ dành cho giới có điều kiện trong xã hội. Từ việc tái tạo và tái sử dụng, qua nhiều thế hệ, những món đồ boro thu thêm càng nhiều mảnh vá, càng nhiều mảnh ghép đến mức nhìn vào, sẽ khó nhận ra màu sắc, hình dạng chính xác hay chất liệu vải ban đầu của nó.
Lịch sử hình thành
Thời kỳ phục hồi sau thế chiến II, nhiều người Nhật nhìn nhận những sản phẩm Boro như một thứ nhắc nhở họ về quá khứ nông thôn nghèo khó, khổ cực.Khi nước Nhật bước vào kỷ nguyên hiện đại, công nghiệp hoá, kỹ thuật Boro bắt đầu phai mờ dần. Nhưng đáng mừng là, nó đang được nhiều thương hiệu nổi tiếng mang ra ngoài thế giới hiện đại một cách đầy tự hào, như một mảnh ghép đặc sắc của lịch sử và con người Nhật Bản.
Bao phủ bởi những mảnh màu chàm nhiều sắc độ, vẻ đẹp của boro chính là sự trái ngược thẩm mĩ vượt thời đại. Bởi đến ngày hôm nay, boro không chỉ là món đồ đại diện một giai đoạn nghèo khổ của nước Nhật, nó có giá trị mang tầm nghệ thuật, như một chứng nhân cho triết lí tiết kiệm “mottainai” hay vẻ đẹp từ những thứ dang dở, không hoàn hảo “wabi-sabi” của con người Nhật Bản.
(Bài viết được trích đăng từ post. Tác giả: DennyDuc)