Bài viết “Việc sở hữu quần áo có còn quan trọng?” được SAW trích dịch từ nghiên cứu “The State of Fashion 2019” do Business of Fashion và McKinsey & Company thực hiện. Mọi số liệu trong bài dịch được dẫn nguồn cụ thể trong bài viết gốc.
Vòng đời của các sản phẩm thời trang đang được kéo dài hơn nhờ vào sự phát triển của các mô hình kinh doanh như secondhand, sửa chữa hay cho thuê quần áo. Có thể nhận thấy rõ sự dịch chuyển trong nhận thức của người tiêu dùng từ việc sở hữu truyền thống sang các hình thức tiếp cận mới hiện đại và bền vững hơn. Vậy hiện tại, việc sử hữu quần áo có còn quan trọng không?
>>> Xem thêm bài viết: Thế nào là thời trang bền vững?
Vòng đời của những chiếc quần áo
Bối cảnh
Trong ngành thời trang, sự dịch chuyển của mô hình sở hữu được dẫn dắt bởi sự tăng lên trong nhu cầu của người tiêu dùng cho sự đa dạng, bền vững và tính kinh tế của các sản phẩm. Điều đó một phần lí giải cho con số tăng trưởng gấp đôi của mảng kinh doanh secondhand đối với mảng thời trang nhanh.
Ngày nay, với rất nhiều các nhóm sản phẩm, người tiêu dùng đã lựa chọn việc đi thuê hơn là mua chúng. Hãy nhìn vào ví dụ của Spotify – thay thế mảng bán đĩa CD và download các bản nhạc, hay Netflix – thay thế cho các cửa tiệm cho thuê video và Zipcar nổi bật trong số dịch vụ cho thuê xe. Những mô hình kinh doanh mới này đã tạo ra và thúc đẩy một cuộc cách mạng trong hành vi người tiêu dùng trong nhiều ngành, và thời trang cũng không đứng ngoài sự đổi mới đó.
Xu hướng sử dụng sản phẩm thời trang
Xu hướng này được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ – những người thích sự đổi mới liên tục, đồng thời cũng rất đề cao tính bền vững trong tiêu dùng. Một nghiên cứu cho thấy rằng, ngày nay trung bình một người mua quần áo nhiều hơn 60% so với số lượng họ mua 15 năm trước. Và thời gian sử dụng trung bình quần áo giảm xuống một nửa.
Nghiên cứu được tiến hành tại Anh đã chỉ ra 1/3 phụ nữ trẻ coi một món đồ là cũ sau 1-2 lần mặc. 1/7 phụ nữ được khảo sát coi việc chụp hình một bộ trang phục 2 lần là một điều xấu hổ, ngại ngùng. Đó chính là những động cơ ngầm khiến phụ nữ liên tục muốn đổi mới tủ đồ của mình. Cùng lúc đó, những người trẻ càng lúc càng quan tâm hơn đến thời trang bền vững. Thuê, mua đồ secondhand hay đồ tái chế là những mô hình xuất hiện để đáp ứng và dung hòa 2 nhu cầu tưởng như rất trái ngược đó của người tiêu dùng.
Nhu cầu cho thị trường đồ secondhand
Trong khi đó, những thương hiệu thời trang xa xỉ đang liên tục tăng giá bán một cách đáng kể. Giá trung bình của đồng hồ và những món trang sức đã tăng lên gần gấp đôi kể từ năm 2005. So sánh giá của 30 sản phẩm túi Louis Vuitton đã cho thấy mức tăng gần 19% qua các năm, kể từ năm 2016. Vì vậy, kể cả với những người tiêu dùng thu nhập cao cũng đang tìm kiếm các đợt giảm giá và các mô hình thay thế để giảm bớt sự đắt đỏ.
Những nhu cầu này là chất xúc tác quan trọng cho sự thành công của mô hình cho thuê và kinh doanh quần áo cũ.
>>> Xem thêm: ThredUP và cuộc cách mạng với thời trang secondhand
Các thương hiệu cho thuê thời trang
Nhóm khách hàng thời trang xa xỉ có thể tránh việc bỏ quá nhiều tiền cho các món hàng tăng giá mỗi năm bằng cách tìm tới TheRealReal. Công ty này được thành lập vào năm 2011, và tới tháng 5/2018 đã được định giá lên tới 450 triệu đô. TheRealReal bán các sản phẩm thời trang xa xỉ đã qua sử dụng thông qua mô hình ký gửi. Mới đây startup triển vọng này đã kêu gọi 115 triệu đô ở vòng G và có kế hoạch mở cửa hàng tại Mỹ, thay vì chỉ tập trung bán online như hiện tại.
Một startup khác của Trung Quốc, YCloset, chọn một cách tiếp cận khác, khi sử dụng mô hình cho thuê trả phí đối với khách hàng. Khách hàng trả một khoản phí cố định hằng tháng, và được lựa chọn thuê một số lượng quần áo và phụ kiện nhất định mà không cần trả thêm bất cứ khoản tiền nào. Họ cũng có thể đặt mua và giữ lại những món đồ họ yêu thích thay vì gửi trả lại cho YCloset.
>>> Xem thêm: Review 5 thương hiệu cho thuê thời trang ở Việt Nam
Các sự hợp tác triển vọng
Trước đây các thương hiệu lớn và lâu đời thường ngó lơ hoặc có cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho mô hình bán lẻ thời trang đã qua sử dụng, giờ đây họ đã cởi mở hơn với thị trường cho thuê thời trang. Stella McCartney đã thực hiện một chương trình hợp tác với The RealReal vào năm 2017. Theo đó, khách hàng khi ký gửi các món đồ tại The RealReal sẽ nhận lại voucher 100$ cho các lần mua sắm tiếp theo tại Stella McCartney. Việc này giúp tạo ra một quy trình tuần hoàn với các sản phẩm của Stella McCartney, đồng thời giúp gia tăng hình ảnh thương hiệu khi nhấn mạnh tới sự quan tâm tới các vấn đề phát triển bền vững và môi trường.
Một số thương hiệu thời trang xa xỉ khác, như Richemont, đã quyết định mua lại các startup khác trong mảng cho thuê và kinh doanh thời trang đã qua sử dụng, nhằm mở rộng kiểm soát tới sản phẩm của thương hiệu trong thị trường thứ cấp.
Các thương hiệu tập trung vào tái chế
Một số thương hiệu thì tập trung vào việc tái chế để thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, tiêu biểu là Eileen Fisher, thông qua chương trình “Renew”. Theo đó, thương hiệu nhận lại các sản phẩm cũ để tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm mới. Patagonia thì tiên phong trong việc sửa chữa các sản phẩm quần áo không may bị hư hại và bán lại các sản phẩm cũ nhận lại từ khách hàng với mức giá hấp dẫn. Ở trên website, thương hiệu này khẳng định: “Điều tốt nhất mà chúng tôi có thể làm cho hành tinh này là giúp cho các sản phẩm của mình được sử dụng lâu hơn và giảm lượng tài nguyên tiêu thụ trong sản xuất”.
>>> Xem thêm: 5 thương hiệu thời trang tái chế và tái tạo đáng chú ý
Các chương trình từ các thương hiệu cho thuê
Express thì đang đánh cược trong thị trường cho thuê bằng việc ra mắt dịch vụ “Express Style Trial”. Chương trình này cho phép người tiêu dùng thuê tối đa 3 sản phẩm trong mọi thời điểm, và thu phí tháng. Trong một buổi phỏng vấn với CNBC, giám đốc phụ trách trải nghiệm khách hàng của Express Jim Hilt đã phát biểu: “Khách hàng ngày nay đang ngày càng hứng thú với việc đi thuê hơn là thực sự sở hữu sản phẩm. Điều này đang diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thời trang. Chúng tôi nhìn vào sự thay đổi mang tính đột phá này và hỏi “Chúng tôi sẽ tham gia như thế nào?”.
Tại New York, thương hiệu Pháp Ba&sh đã tiến hành chương trình cho khách hàng thuê đồ miễn phí trong một tuần. Đây được coi là một phần hoạt động trong chiến lược mở rộng ra Bắc Mỹ của thương hiệu này.
Những kỳ vọng tăng trưởng
Trong một vài năm tới, chúng ta kỳ vọng sự phát triển trong 3 khía cạnh chính. Đầu tiên, là số lượng các thương hiệu tham gia vào mảng cho thuê, kinh doanh đồ secondhand và đồ tái chế sẽ được gia tăng đáng kể. Có thể là bằng cách hợp tác với các startup sẵn có trong lĩnh vực này hoặc các thương hiệu trực tiếp mở mảng kinh doanh riêng của họ. Điều này đòi hỏi một chiến lược cụ thể và rõ ràng khi đánh giá giữa việc liên kết kinh doanh, tự phát triển hay mua bán sáp nhập.
Thứ hai, chúng ta có thể dự đoán một sự gia tăng đáng kể đối với các startup hoạt động trong mảng cho thuê ký gửi hoặc cho thuê thu phí. Sẽ không hề viển vông khi mong đợi một startup kỳ lân trong mô hình kinh doanh này. Cuối cùng, ngày càng nhiều người tiêu dùng sẽ nhận thấy sự gia tăng của hàng secondhand hoặc quần áo đi thuê trong tủ đồ của họ, đặc biệt là với hàng xa xỉ và có giá trị cao.
>>> Xem thêm: Review cửa hàng ký gửi quần áo Give Away Q10
SHED