Với định giá 100 tỷ đô la Mỹ vào tháng 4.2022, SHEIN đã lớn hơn vốn hoá của Zara và H&M cộng lại. Sự phát triển thần tốc của thương hiệu thời trang siêu nhanh khiến giới đầu tư hưng phấn. Tuy nhiên, đây lại là tin không vui với nhánh thời trang bền vững. Tại sao mô hình của SHEIN lại gây ra thách thức lớn cho môi trường và những nỗ lực “xanh hoá” ngành thời trang? Cùng tìm câu trả lời trong chuỗi bài viết của SAW nhé.
Bên cạnh tìm hiểu về những mô hình kinh doanh bền vững như ThredUp, Vinted, hay Teemill,.. Việc hiểu về các mô hình thiếu tính bền vững cũng rất cần thiết nhằm tránh lặp lại những mô hình này khi khởi sự. SAW thân mến gửi đến bài chùm bài phân tích về mô hình kinh doanh của SHEIN qua chuỗi 3 bài viết: Products (kỳ 1), People (kỳ 2) và Planet (kỳ 3).
Mời bạn đón đọc!
Trong bài viết lần này, SAW phân tích tới khía cạnh sản phẩm – một trong những yếu tố cốt lõi trong bất kỳ mô hình kinh doanh thời trang nào.
Về SHEIN
Ra đời từ năm 2008, SHEIN đã phát triển nhanh chóng và trở thành một thương hiệu thời trang được biết đến rộng rãi. Thương hiệu trực thuộc tập đoàn Shenzhen Globalegrow E-commerce Co.Ltd, đặt tại Trung Quốc. Bên cạnh SHEIN, tập đoàn này cũng sở hữu nhiều thương hiệu nhanh khác như Zaful, Romwe, Choies và Modlily.
Theo công bố trên website chính thức, SHEIN tuyên bố triết lý của thương hiệu là “Everyone can enjoy the beauty of fashion“. Không thể phủ nhận, chiến lược sản phẩm giá thấp và phổ size rộng đã giúp một bộ phận không nhỏ phụ nữ thu nhập thấp và ngoại cỡ được tiếp cận các sản phẩm thời trang xu thế. Tuy nhiên, nếu để mặc đẹp nhưng đổi lại phải trả một cái giá đắt hơn nhiều lần cho việc tổn hại môi trường; thì thật sự rất đáng dừng lại một chút để nhìn sâu hơn vào những gì ẩn sau những tuyên bố tích cực của thương hiệu.
SHEIN đã góp phần “khai sinh” một khái niệm mới trong thời trang, đó là “ultra fast fashion” (thời trang siêu nhanh). Đây là tên gọi để chỉ những thương hiệu với tốc độ ra hàng nhanh đến chóng mặt cùng với vòng đời rất ngắn của sản phẩm. Đây cũng chính là yếu tố then chốt dẫn tới sự thiếu bền vững của SHEIN.
Tốc độ ra sản phẩm mới của SHEIN đáng kinh ngạc
Theo nguồn tin từ BBC, số sản phẩm mới được thêm mỗi ngày trên SHEIN có thể lên tới con số 6000, tương ứng với khoảng 60-300 mẫu thiết kế mới. Và điều kinh khủng đó là số lượng mẫu mới MỖI NGÀY. Con số này vượt xa tốc độ ra BST mới Zara-thương hiệu thời trang nhanh lớn nhất thế giới xét theo doanh thu, vốn được biết tới là 2 tuần/lần. Với các thương hiệu thời trang truyền thống, hoặc thời trang chậm (slow-fashion) thì tốc độ ra sản phẩm mới của SHEIN quả là không tưởng.
Theo giải thích của CEO SHEIN, mỗi mẫu mới chỉ được sản xuất theo các lô nhỏ, từ 50-100 sản phẩm để “test” thị trường. Nếu mẫu nào có tốc độ bán tốt thì mới tiếp tục đặt hàng sản xuất ở quy mô lớn. Có thể thấy, ở đây SHEIN đang bám vào yếu tố “small batch” (sản xuất theo lô nhỏ) – một trong những đặc điểm được khuyến khích của thời trang bền vững. Tuy nhiên, nếu small batch đi kèm với việc sử dụng sợi polyester và gia tăng áp lực sản xuất thì thậm chí còn khiến tình hình tệ hơn. Chi tiết về khía cạnh này sẽ được SAW phân tích thêm ở Kỳ 2 và Kỳ 3.
Chính vì liên tục có mẫu mới, SHEIN có thể tạo ra một “ma lực” hấp dẫn khách hàng thường xuyên quay trở lại website. Điều này vô hình chung tạo ra những nhu cầu mua sắm không cần thiết của khách hàng. Vì thấy đẹp quá, mua liền! Vì thấy rẻ quá, mua liền! Và vừa đẹp vừa rẻ lại chính là “vũ khí” của SHEIN.
Giá bán sản phẩm rẻ không tưởng
Trên webstie bán hàng chính thức của SHEIN tại Việt Nam, giá bán trung bình các sản phẩm từ 70 ngàn – 500 ngàn tuỳ loại. Với đầm từ 150-400 ngàn, áo từ 80 – 200 ngàn, quần 270-450 ngàn. Với khách hàng Việt thì dường như con số này không thể nói là rất rẻ. Vì mức này cũng khá tương tự với một số thương hiệu nội địa như VM Style, Janet Studio,.. Đặc biệt, nếu so với hàng quảng châu được bán trên shopee hay tiktok thì khó có thể nói đây là mức giá rẻ.
Điều này là dễ hiểu, bởi thị trường thời trang Việt đã khá quen với thời trang giá rẻ. Cộng với mức thu nhập trung bình & mức sống của một đất nước đang phát triển thì mức giá này tạm ổn.
Tuy nhiên, hãy chuyển góc nhìn một chút, sang các nước Châu Âu hoặc Mỹ – thị trường phát triển với mức sống cao hơn. Nơi giá bán trung bình của một chiếc đầm có thương hiệu là 70-150$,.. thì một chiếc đầm SHEIN giá 8-15$ lại nói lên một câu chuyện rất khác. Khi một chiếc áo thun thời trang có giá bằng 1 chiếc bánh mỳ Big Mac (giá trung bình khoảng 5$ ở US); thì liệu lựa chọn mua sắm của bạn có còn đủ sáng suốt và lý trí?
Trào lưu #SHEIN_HAULS
Cũng chính từ đó, trào lưu mua quần áo SHEIN số lượng lớn và chia sẻ video khui đồ đã trở thành một trào lưu qua hashtag #shein_hauls. Hàng triệu video được tìm thấy trên tiktok và Instagram với hàng trăm triệu lượt tương tác.
Để có được mức giá rẻ như vậy, SHEIN phải tìm đến những xưởng giá công với mức giá thấp nhất. Chính từ đó, sự thiếu bền vững lại càng trở nên nghiêm trọng khi vi phạm các quy định về an toàn lao động, lương tối thiểu và quyền con người. Yếu tố này sẽ được SAW làm rõ trong bài viết Kỳ 2.
Chất lượng đồ SHEIN gây thất vọng
Với tốc độ ra hàng và mức giá đó, không ngạc nhiên khi chất lượng sản phẩm của SHEIN không được đánh giá cao. Một chiếc áo sơ mi trắng ngả ố vàng sau 1 lần giặt là điều không hiếm gặp. Vải sờn, bung nút, phai màu,..là những phản hồi phổ biến cho những sản phẩm SHEIN.
Điều đáng suy ngẫm ở đây là người mua hàng cũng thoả hiệp với sự cẩu thả đó. Khi mua một món đồ giá rẻ hơn một bữa sáng, thì người ta dễ tặc lưỡi cho qua khi món đồ bị bung nút hoặc ngả màu. Mua về mặc một lần, hoặc thậm chí không mặc; rồi lại tiếp tục mua các mẫu mới giá rẻ. Vòng lặp này càng khó chấm dứt khi SHEIN liên tục tăng ngân sách cho quảng cáo, thuê KOL, khuyến mại để lôi kéo người dùng. Và thêm cả sự xuất hiện của SHEIN Exchange.
>>> Đọc thêm: 11 câu hỏi tự hỏi bản thân trước khi mua sắm các món đồ thời trang
SHEIN Exchange – có phải một hành động green-washing quá lộ liễu?
Vào tháng 10.2022, SHEIN đã ra mắt nền tảng resale SHEIN Exchange. Theo đó nền tảng này hoạt động theo mô hình C2C, khi người dùng có thể đăng bán các món đồ đã qua sử dụng. Đây thực chất là một hoạt động green-washing (tẩy xanh) giúp cho hình ảnh của SHEIN trông-có-vẻ bền vững hơn; nhưng thực ra không hề tác động tới yếu tố thiếu bền vững trong mô hình. Đó là sản xuất quá nhanh, quá nhiều, và bán quá rẻ.
>>> Đọc thêm về SHEIN Exchange tại bài viết: Việc ra mắt nền tảng resale có khiến mô hình của SHEIN bền vững hơn?
Tạm kết
Như vậy, việc đánh đổi để có tốc độ ra hàng cực nhanh và sản phẩm giá rẻ chính là yếu tố cốt lõi khiến mô hình của SHEIN thiếu tính bền vững. Trong các bài viết sau, các hệ luỵ từ chiến lược phát triển này sẽ được phân tích cụ thể hơn. Cám ơn và hẹn gặp lại!
Trong lúc đợi có bài mới, cùng đọc thêm các chủ đề thú vị khác của SAW nhé:
>>> Thế nào là ký gửi thời trang?
>>> Vinted: nền tảng thương mại điện tử C2C cho quần áo đã qua sử dụng
SAW