Xin chào các bạn. Lần này SAW trở lại với chùm bài viết liên quan tới Greenwashing trong lĩnh vực thời trang. Mời các bạn đón đọc.
>>> Xem thêm: Greenwashing: 5 câu chuyện thực tế của thương hiệu thời trang
Hẳn các bạn cũng đã đôi lần đọc trên báo chí hoặc nghe ai đó nhắc tới cụm từ “greenwashing” với một sắc thái không mấy sự tích cực. Đó là gì, ảnh hưởng tới việc tiêu dùng của chúng ta ra sao, và cụ thể hơn, biểu hiện và tác động của hoạt động này trong ngành thời trang như thế nào. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và làm rõ trong các nội dung sau đây.
Greenwashing là gì?
Theo trang từ điển khái niệm Investopedia, greenwashing (tạm dịch sang Tiếng Việt là tẩy xanh) là một quá trình truyền tải những ấn tượng sai lệch; hoặc cung cấp thông tin gây nhầm lẫn về việc sản phẩm nào đó có tính thân thiện, bền vững với môi trường hơn thực tế.
Một ví dụ về greenwashing
Ví dụ, một công ty được cho là có hành vi greenwashing có xu hướng đưa ra thông cáo rằng sản phẩm của họ được làm từ các vật liệu tái chế hoặc tiết kiệm năng lượng. Thực tế là có thể một phần nào đó hoạt động sản xuất kinh doanh của họ có xuất hiện những yếu tố như đã đề cập, nhưng không toàn bộ và thiếu sự triệt để. Việc nói chung chung và không đưa ra các con số dẫn chứng chi tiết khiến cho những thông báo của họ mang tính trình diễn, mục đích để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng có quan tâm tới các vấn đề môi trường, tiêu dùng bền vững.
Nguồn ảnh: The Big Issue
Nguồn gốc của thuật ngữ greenwashing
Thuật ngữ Greenwashing xuất hiện lần đầu vào những năm 1960, khởi phát từ ngành du lịch nghỉ dưỡng. Câu chuyện kinh điển khi đó diễn ra như sau. Các khách sạn đặt thông báo trong phòng nghỉ của khách với nội dung: Đề nghị các vị khách tái sử dụng lại những chiếc khăn tắm của họ. Tất nhiên, thông điệp từ phía khách sạn đưa ra là đề cao việc bảo vệ môi trường, giảm lượng nước và các chất thải vi sinh ra sông hồ,.. Nhưng thực chất có phải như vậy? Trong trường hợp này, khách sạn vừa được giảm bớt chi phí giặt sấy vốn đã được tính trong giá phòng; vừa xây dựng được hình ảnh là một khách sạn cấp tiến, quan tâm tới những vấn đề sống còn của nhân loại. Quả là một mũi tên trúng nhiều đích.
>>> Xem thêm: Tháp nhu cầu thời trang – khi mua sắm đồ mới là lựa chọn sau cùng!
Greenwashing trong ngành thời trang
Những năm gần đây, khi xu hướng thời trang bền vững trở nên phổ biến hơn, chúng ta được nghe truyền thông nhắc nhiều lần tới những “thương hiệu bền vững”, “thương hiệu xanh”, “các sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế”, “zero waste”,… Dường như ngày càng nhiều các thương hiệu thời trang lựa chọn “bền vững” là mục tiêu hàng đầu trong tầm nhìn của họ.
Khi đối diện với một bức tranh (có vẻ như) tươi sáng ấy, suy nghĩ này sẽ rất dễ hiện lên trong đầu chúng ta: “ Ồ, xem kìa, ngành công nghiệp thời trang có vẻ đang dần trở nên bền vững và bớt độc hại hơn”. Tuy nhiên, trong khi một số chiến dịch thì đúng là tạo ra những tác động tích cực, một thực tế chúng ta cần thừa nhận là đó chỉ là những câu chuyện truyền thông – đó là greenwashing.
Trong báo cáo công bố vào tháng 7/2021, tổ chức Changing Market Foundation đã chỉ ra rằng, 59% trong tổng số các chiến dịch xanh của các thương hiệu thời trang tại UK và khu vực châu Âu là greenwashing. Và con số đó dường như phản ánh tương đối sát sao con số chung của thị trường thời gian toàn cầu.
Nguồn ảnh: Eco-age
>>> Xem thêm: Tận hưởng niềm vui cuộc sống qua việc dọn dẹp
Cách nhận biết greenwashing
Trước thực tế đó, có cách nào để người tiêu dùng tự nhận ra các thương hiệu không thực sự bền vững; như những gì họ nói với chúng ta?
Trang Good On You đã chỉ ra 6 biểu hiện đặc trưng của hoạt động greenwashing trong ngành thời trang. Một thương hiệu có 1 hoặc nhiều hơn những biểu hiện thì khả năng cao họ đạng trình diễn greenwashing.
6 biểu hiện thường gặp của greenwashing:
- Hoạt động hướng tới giảm thiểu lượng khí CO2 tại văn phòng làm việc, trụ sở công ty. Đó là một cách gây chú ý đầy khôn ngoan. Nhưng câu hỏi đặt ra là vậy thì lượng khí CO2 cho toàn bộ chuỗi cung ứng thì sao? Văn phòng làm việc chỉ là một thành tố không đáng kể trong toàn bộ câu chuyện
- Bao bì thân thiện với môi trường, và gần như không có gì khác. Việc sử dụng bao bì tái chế, tái tạo,.. là một hướng đi tốt trong việc hướng thương hiệu tới hoạt động sản xuất bền vững hơn. Tuy nhiên, chỉ mình điều đó thì chưa đủ- không hề đủ. Đặc biệt là khi mô hình kinh doanh và quy trình hoạt động chẳng có gì đổi khác.
- Sử dụng năng lượng hiệu quả. Câu chuyện chung chung nhất có thể, và cũ rích.
>>> Xem thêm: Thời trang tuần hoàn là gì?
- Đưa ra các thông cáo và mục tiêu thiếu cụ thể. Thương hiệu đưa ra các cam kết, mục tiêu đầy hứa hẹn; hưng không thực sự theo đuổi một quá trình hiện thực nghiêm túc hướng tới mục tiêu đó. Trong báo cáo 2021 của Good On You, 69% các thương hiệu thời trang lớn có đưa ra các mục tiêu giảm thiểu khí thải hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas emission); nhưng không đề cập tới tiến độ thực hiện việc đó hiện như thế nào.
- Chi trả theo mức lương tối thiểu (minimum wage). Con số mức lương tối thiểu thực sự không nói nên điều gì đáng kể. Cái người lao động thực sự cần là mức lương đáp ứng được mức sống (living wage, hay fair wages).
- Các Bộ sưu tập hoặc dòng sản phẩm bền vững. Đây là hoạt động thường thấy của các thương hiệu thời trang lớn. Bằng việc ra mắt các BST hay các dòng (line) sản phẩm mới có xuất hiện yếu tố bền vững; họ thuyết phục người tiêu dùng rằng họ đang ngày càng trở nên bền vững hơn. Có đúng là như vậy?
Nguồn ảnh: fashionista.com
Tạm kết
Trên đây SAW đã cùng các bạn hiểu thêm về khái niệm, các cách nhận biết một thương hiệu liệu có yếu tố greenwashing hay không. Đón đọc các câu chuyện thực tế của thương hiệu có xuất hiện greenwashing trong bài tiếp theo.
>>> Xem tiếp: Greenwashing: 5 câu chuyện thực tế của thương hiệu thời trang
Tìm hiểu về thời trang tuần hoàn cùng SAW ở video sau:
©️ Nội dung bài viết thuộc sở hữu của Shed A Wonderland. Các hoạt động sao chép hoặc đăng lại vui lòng liên hệ với SAW thông qua email shed.a.wonderland@gmail.com hoặc comment dưới bài viết.
Vui lòng ghi rõ nguồn shedawonderland.com khi sử dụng hình ảnh bìa hoặc dẫn link video. SAW cảm ơn bạn vì đã thấu hiểu 💚
shed
Nguồn ảnh bìa: EDIS Fashion