Có quá nhiều quần áo không còn nhu cầu mặc nữa nhưng không biết làm sao? Đi ký gửi, hợp lý. Nhưng còn cách nào tiện lợi và chủ động hơn không nhỉ? Có đấy. Hãy cùng SAW tìm hiểu về 3 nền tảng recommerce/ resale quần áo cũ C2C dưới đây.
Quan tâm về trải nghiệm shop secondhand ở Thuỵ Điển? Mời bạn đọc thêm bài viết tại đây: 3 điều thú vị mình học được từ các shop secondhand ở Thuỵ Điển
Điểm chung của 3 nền tảng này là đều được sáng lập và vận hành bởi các startup Việt.
1. SSSmarket
Theo phần giới thiệu trên website https://www.sssmarket.vn/ SSSmarket là “ứng dụng điện thoại di động dựa trên nền tảng chia sẻ thời trang và cộng đồng”. Hiểu một cách đơn giản, thông qua ứng dụng SSSmarket, chúng mình có thể mua & bán quần áo giữa các cá nhân. Đồng thời, trở thành một phần của cộng đồng thời trang bền vững mà SSSmarket mong muốn xây dựng.
Bạn có thể tải ứng dụng tại App store hoặc CH Play. Theo như cảm nhận của cá nhân mình, giao diện và trải nghiệm trên ứng dụng SSSmarket là sự kết hợp của Tiktok và Shopee. Việc lướt xem đồ và mua hàng khá tiện lợi. Thao tác tạo shop (trang của người bán) và đăng bán đồ tương đối đơn giản, dễ hiểu. Mình nghĩ sẽ không làm khó được chị em đâu; đặc biệt là các bạn gen Z – vốn là đối tượng người dùng mục tiêu chính của SSSmarket.
Hiện tại chi phí bán đồ trên SSSmarket là 9%. Nghĩa là khi bán thành công 1 em đầm 100k, bạn sẽ nhận về 91k; 9k trả cho SSSmarket. Nền tảng này cũng thực hiện mô hình subcription cho các shop. Khi đó các shop trả 1 chi phí cố định hàng tháng, và không cần chia hoa hồng dựa trên doanh thu nữa.
Chi tiết về trải nghiệm mua và bán trên SSSmarket mình sẽ chia sẻ trong 1 bài viết khác.
Mức điểm mình recommend các bạn nên trải nghiệm là: 6/10
>>> Đọc thêm: Y-CLOSET : Tủ quần áo trên mây
2. Dori Dori
Dori Dori là một ứng dụng dạng mini app có trên ứng dụng Tiki. Nghĩa là bạn sẽ không tìm thấy Dori trên App store hay CH play; mà chỉ có thể dùng thông qua app Tiki.
Nền tảng này không chỉ giới hạn trong thanh lý quần áo, mà ti tỉ thứ khác trên đời. Từ sách vở, đồ điện tử, tới mỹ phẩm, cây xanh,.. Với mình Dori Dori giống như một chợ đồ si online bán đủ thứ.
Theo thông tin trên https://doridori.tiki.vn/ trong năm 2022, người bán sẽ không mất phí khi bán đồ trên Dori Dori. Như vậy, nếu tụi mình bán 1 em áo 50k thì nhận về sẽ tròn 50k. Cũng là một điểm khá hấp dẫn hen.
Mức điểm mình recommend các bạn nên trải nghiệm là: 7/10
>>> Đọc thêm: Prato – Kinh đô của thời trang tái chế
3. Piktina
Piktina là nền tảng xuất hiện muộn hơn so với 2 nền tảng kể trên. Ứng dụng di động của Piktina cũng mới ra mắt khoảng vài tháng gần đây. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng dường như tốc độ phát triển của Piktina rất đáng gờm. Gần đây nhất, nền tảng này có hợp tác với Comfort và Baemin trong các chiến dịch thay đổi nhận thức về quần áo secondhand.
Phí bán hàng hiện nay trên nền tảng là 20% giá bán. Ví dụ bạn muốn pass 1 em đầm giá 100k, Piktina sẽ lấy phí 20k, bạn nhận về 80k. Còn với người mua, mức giá cần trả là 100k + 8%VAT = 108k. 108k cũng chính là mức giá hiển thị của sản phẩm.
Ý kiến cá nhân mình, mình khá thích trải nghiệm mua và bán trên Piktina. Đơn giản, dễ dàng và còn mang tới cho mình cảm giác “fashion” đặc trưng.
Mức điểm mình recommend các bạn nên trải nghiệm là: 8/10
>>> Xem thêm: Vinted – Nền tảng thương mại điện tử C2C cho quần áo secondhand
Tạm kết
Bạn muốn SAW chia sẻ chi tiết về nền tảng nào thì đừng ngại comment cho SAW biết nhé. Thị trường recommerce cho ngành thời trang secondhand ở Việt Nam càng lúc càng nhộn nhịp. Hãy cùng SAW là một thành phần tích cực trong chuyển động đầy thú vị này nhé!
SAW